Đo lường tài chính toàn diện từ cung và cầu: Trường hợp nghiên cứu tại Việt Nam
Đoàn Mạnh Tú & Lê Thị Kim Nhung & Lê Thanh Tâm
DOI:
Tóm tắt
Tài chính toàn diện có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, xóa đói nghèo và giảm bất bình đẳng. Việc đo lường tài chính toàn diện nhằm xác định vị trí, thực trạng của tài chính toàn diện tại Việt Nam là rất cần thiết nhằm đưa ra các giải pháp khả thi thực hiện chiến lược tài chính toàn diện tại Việt Nam. Mục tiêu của bài viết sẽ đo lường chỉ số tài chính toàn diện tại Việt Nam trên 2 phương diện cung và cầu, đồng thời so sánh với chỉ số tài chính toàn diện của một số nước trong khu vực. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp tính toán chỉ số tài chính toàn diện của Sarma (2015) dựa trên số liệu cung về tài chính toàn diện của IMF từ năm 2010-2019 và phương pháp của Cámara và Tuesta (2014) theo số liệu phía cầu của tài chính toàn diện của WB năm 2017. Kết quả nghiên cứu theo số liệu bên cung, Việt Nam có chỉ số tài chính toàn diện tăng 8 bậc từ năm 2010 đến 2019 và có mức xếp hạng trung bình, đứng thứ 40/77 nước năm 2019. Theo số liệu bên cầu, Việt Nam có chỉ số tài chính toàn diện ở mức thấp, xếp hạng thứ 96/115. Kết quả nghiên cứu của 2 phương pháp có khác nhau do sử dụng 2 bộ số liệu khác nhau. Tuy nhiên, nhóm tác giả tìm xu hướng của tài chính toàn diện tại Việt Nam theo 2 phương pháp có điểm tương đồng. Đặc biệt là xác định được thực trạng của tài chính toàn diện tại Việt Nam và so sánh với các nước trong khu vực trên phương diện phía cung và cầu, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp hiệu quả và tổng thể từ phía cung và cầu để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.