Tác động của thực tiễn quản trị nguồn nhân lực đến sự gắn kết của giáo viên cơ hữu với các trường trung học phổ thông ngoài công lập, kiểm chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Huỳnh Thị Thu Sương
DOI:
Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm xác định yếu tố thuộc thực tiễn quản trị nguồn nhân lực (QTNNL) tác động đến sự gắn kết của giáo viên cơ hữu các trường trung học phổ thông (THPT) ngoài công lập (NCL) trên địa bàn TP.HCM. Từ đó đưa ra một số hàm ý quản trị giúp các trường định hướng các chính sách phù hợp trong việc thu hút, sử dụng và duy trì đội ngũ này với nhà trường để nâng cao sự gắn kết của họ đối với các trường THPT NCL với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục phổ thông. Tiến hành khảo sát 700 giáo viên cơ hữu hiện đang giảng dạy tại các trường THPT ngoài công lập, thu về 446 phiếu đạt yêu cầu. Mã hóa kết quả và xử lý trên SPSS 22.0 phục vụ cho việc đánh giá độ tin cậy (Cronbach’s alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy (RA). Kết quả nghiên cứu cho thấy có 7 nhân tố tác động đến sự gắn kết của giáo viên gồm: (1) Hoạch định NNL, (2) Tuyển dụng, (3) Đào tạo và phát triển, (4) Đánh giá kết quả thực hiện công việc, (5) Chính sách đãi ngộ, (6) Quản lý thu hút nhân viên vào các hoạt động của nhà trường và (7) Quan hệ lao động.